Vay Ngân hàng tín chấp là hình thức vay tiền không cần thế chấp tài sản, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Tuy nhiên hình thức này cũng mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau để vay tiền một cách an toàn và thông minh.
Vay Ngân hàng tín chấp - 5 lưu ý cần biết
1. Lưu ý về lãi suất vay Ngân hàng tín chấp
Lãi suất luôn là vấn đề được khách hàng quan tâm đầu tiên khi đi vay vốn. Vay ngân hàng tín chấp do không yêu cầu tài sản đảm bảo, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng nên lãi suất vay thường cao hơn so với hình thức vay thế chấp, thường dao động từ 15 - 30%/năm. Vay tín chấp tại Ngân hàng có rất nhiều vấn đề liên quan đến lãi suất mà khách hàng cần đặc biệt lưu ý như sau:
- Lãi suất phụ thuộc vào hình thức vay: Vay theo lương, vay theo sổ bảo hiểm, vay theo thẻ tín dụng, vay theo thẻ ATM, vay theo hóa đơn điện nước, vay theo sim số…
- Lãi suất phụ thuộc vào mục đích vay của khách hàng: Vay tiêu dùng cá nhân, vay mua xe máy trả góp, vay mua hàng điện tử gia dụng, chi phí đám cưới, chi phí y tế, chi phí sinh con…
- Lãi suất phụ thuộc vào đối tượng khách hàng: Khách hàng có thu nhập càng cao lãi suất vay càng ưu đãi. Nhiều Ngân hàng cung cấp gói vay riêng với nhiều ưu đãi cho một số nhóm KH đặc biệt như: Cán bộ nhân viên nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ, giáo viên,...
Lưu ý về lãi suất vay Ngân hàng tín chấp
- Lãi suất có thể thay đổi: Một vấn đề khách hàng cần đặc biệt lưu ý khi đi vay vốn đó là sự thay đổi trong mức lãi suất của Ngân hàng trong quá trình vay vốn. Ngân hàng thường đưa ra mức lãi suất ưu đãi ban đầu để thu hút khách hàng vay vốn nhưng con số này sẽ không cố định mà tăng dần theo thời gian. Do đó, bạn nên hỏi kỹ nhân viên tín dụng về sự thay đổi này để nhận định rõ về mức lãi suất của Ngân hàng đó.
- So sánh lãi suất Ngân hàng dựa trên nhiều yếu tố: Lời khuyên cho bạn là không nên chỉ nhìn vào một con số để đánh giá lãi suất của Ngân hàng nào là thấp hơn. Bạn cần tìm hiểu kỹ con số lãi suất đó được áp dụng cho đối tượng nào, nhu cầu nào, hình thức vay nào và tính theo hình thức trả góp nào.
2. Thế nào là trả góp? Phân biệt 2 hình thức trả góp hiện nay
Trả góp là cách thức khách hàng hoàn trả một phần tiền cả gốc và lãi đã được chia nhỏ theo từng kỳ hạn nhất định trong thời gian vay (kỳ hạn tháng / quý). Hiện nay hầu hết các Ngân hàng đều áp dụng hình thức trả góp đối với khách hàng vay vốn. Hình thức trả nợ này giúp khách hàng chủ động hơn trong việc lên kế hoạch trả nợ, giảm gánh nặng về nợ khi đến kỳ tất toán đồng thời giảm thiểu rủi ro về tín dụng cho Ngân hàng.
Hiện nay có 2 cách thức trả nợ vay Ngân hàng tín chấp mà khách hàng cần phân biệt rõ ràng:
- Vay trả góp tính theo dư nợ ban đầu: Là hình thức trả góp khách hàng được yêu cầu trả một phần tiền gốc được chia nhỏ cộng với mức lãi suất không đổi trong quá trình vay.
Ví dụ: Khách hàng vay 60 triệu trong 1 năm, lãi suất tính theo dư nợ ban đầu là 10,2%/năm, trả góp hàng tháng.
Lãi suất hàng tháng là: 10,2% / 12 = 0,85%/tháng. Số tiền trả góp hàng tháng là: 60 triệu / 12 + 60 triệu x 0,85% = 5 triệu + 510.000 VNĐ = 5.510.000 VNĐ
Cách tính khoản vay Ngân hàng tín chấp
- Vay trả góp tính theo dư nợ giảm dần: Là hình thức trả góp khách hàng phải trả một phần tiền gốc được chia nhỏ cộng với mức lãi suất giảm dần theo thời gian được tính theo dư nợ thực tế tức là phần nợ gốc còn lại sau khi đã thanh toán một phần vào các kỳ hạn.
Ví dụ: Khách hàng vay 60 triệu trong 1 năm, lãi suất theo dư nợ thực tế (dư nợ giảm dần) là 18%, trả góp hàng tháng => Lãi suất vay hàng tháng là: 18% / 12 = 1,5%/tháng.
* Số tiền phải trả góp trong tháng đầu = 60 triệu / 12 + 1,5% x 60 triệu = 5 triệu + 900.000 VNĐ
* Số tiền phải trả góp trong tháng 2 = 60 triệu / 12 + 1,5% x (60 triệu - 5 triệu) = 5.825.0000 VNĐ
* Số tiền phải trả góp trong tháng 3 = 60 triệu / 12 + 1,5% x (55 triệu - 5 triệu) = 5.750.000 VNĐ
Khách hàng cần đặc biệt lưu ý một vấn đề, con số lãi suất tương đương sẽ khác nhau cho mỗi hình thức trả góp, cụ thể lãi suất theo dư nợ giảm dần sẽ lớn hơn lãi suất theo dư nợ ban đầu nhưng số tiền phải trả là như nhau. Do đó, với các con số lãi suất Ngân hàng đưa ra, khách hàng cần tìm hiểu đó là lãi suất tính trên dư nợ thực tế hay ban đầu.
3. Lập phương án trả nợ trước khi vay ngân hàng tín chấp
Với việc vay trả góp theo kỳ hạn, mỗi tháng hay mỗi quý khách hàng phải gánh trên mình một món nợ cần được trả đủ và đúng hạn cho Ngân hàng. Do đó, trước khi vay vốn, khách hàng cần lập một phương án trả nợ rõ ràng và cụ thể. Theo các chuyên gia tài chính đã phân tích, số tiền trả nợ của khách hàng chỉ nên chiếm nhiều nhất từ 30 - 40% trong tổng thu nhập hàng tháng của bạn. Không nên vay quá khả năng tài chính cho phép, điều ấy sẽ khiến bạn phải chịu nhiều áp lực về việc trả nợ. Bên cạnh đó việc trả nợ hàng kỳ nếu không đủ và đúng hạn sẽ khiến bạn bị phạt phí và ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng.
4. Lưu ý đến các khoản phí phạt và điểm tín dụng xấu
Lưu ý đến các khoản phí phạt khi vay Ngân hàng tín chấp
Một vấn đề quan trọng khách hàng cần quan tâm đến khi vay Ngân hàng thế chấp đó là các khoản phí phạt trước hạn và sau hạn. Theo đó, nếu bạn hoàn trả số tiền vay trước hoặc sau thời gian vay vốn như trên hợp đồng đã quy định, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí phạt.
Với những khách hàng muốn tất toán trước hạn, số tiền phạt để được tất toán thường từ 2 - 5% đối với phần dư nợ còn lại.
Với những khách hàng thanh toán quá hạn, khoản phạt sẽ ở mức cao hơn và đa dạng các mức phạt tùy thuộc vào chính sách Ngân hàng. Bên cạnh đó, việc trả quá hạn còn khiến lịch sử tín dụng của quý khách bị ảnh hưởng. Nếu nợ quá hạn trên 3 tháng, tài khoản vay của bạn sẽ rơi vào nhóm nợ xấu và không thể vay vốn tại bất cứ địa chỉ nào khác trong lần sau.
5. Lưu giữ giấy tờ hồ sơ, đề phòng tranh chấp
Một lưu ý nhỏ nhưng hết sức quan trọng. Sau khi đã ký kết hợp đồng vay vốn, hãy cẩn thận lưu giữ lại bộ hồ sơ vay tiêu dùng của bạn bao gồm các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, phiếu thu tiền…để đề phòng mọi rủi ro nếu như có xảy ra bất cứ vấn đề gì.