Kế hoạch
trả nợ phải được định hình từ trước khi nợ. Chỉ cần có kế hoạch trả nợ rõ ràng,
khả thi và nghiêm túc thực hiện, đảm bảo trả nợ là một trạng thái rất “phiêu”.
Kế hoạch
trả nợ phải được xây trước khi nợ
Bao giờ cùng vậy, kế hoạch trả nợ phải được xây trước khi bạn
chính thức “nợ nần”. Bạn chỉ được phép vay tiền khi bạn đã có trong đầu kế hoạch
trả nợ ăn chắc nhất. Đó là khi bạn tự chủ được về tài chính, có một nguồn thu
nhập đều đặn, ổn định. Đó là khi bạn có phương án dự phòng cả cho những rủi ro
có thể lường trước được.
Chẳng hạn, vợ chồng anh Sơn – Hoàng Mai, tổng thu nhập cố định
của 2 vợ chồng anh là 28 triệu đồng/tháng. Tích góp 3 năm dành giụm được 500
triệu, bố mẹ 2 bên hỗ trợ tổng 400 triệu, vợ chồng anh Sơn quyết định vay thêm
bạn bè, người thân tổng số tiền 500 triệu để mua 1 căn chung cư 1,4 tỷ.
May mắn là không phải vay ngân hàng, không mất lãi. Anh Sơn
ngay từ đầu huy động anh em họ hàng mượn mỗi người 2-3 chục triệu, nhiều nhất
cũng chỉ vay 50 triệu.Theo anh, mượn nhiều người, mỗi người số tiền nhỏ như vậy
thì dễ hơn cho họ, cũng dễ hơn cho mình. Với 2-3 chục triệu, họ không phải lăn
tăn quá nhiều, khi họ cần thì mình cũng
có thể xoay sở ngay được. Đây là một điểm sáng suốt để giảm gánh nặng trả nợ
sau này.
|
Kế hoạch trả nợ mua nhà phải có trước khi vay mua nhà |
Ước tính với thu nhập hiện tại và lộ trình tăng lương đều đặn
hàng năm của 2 vợ chồng. Thời điểm vợ chồng anh mua nhà cũng là lúc vợ anh có bầu
chuẩn bị sinh con. Anh dự trù chi phí cho em bé khoảng chừng 5 triệu đồng 1
tháng. Vợ chồng anh đặt ra mục tiêu trong vòng 3 năm sẽ trả hết số nợ 500 triệu
mượn anh em bạn bè.
Kế hoạch
trả nợ 500 triệu trong vòng 3 năm
Ước tính 500 triệu trả trong vòng 3 năm thì mỗi tháng sẽ phải
trả chừng 15 triệu đồng. Vợ chồng anh đặt ra mục tiêu cho từng khoản nợ theo
tháng. Ưu tiên người nào cần trước, người nào càng thân thiết và chưa có nhu cầu
cần gấp thì càng để lại sau.
Chẳng hạn tháng 1: Trả anh A; tháng 2+3: Trả chị B.
Sao cho lộ trình trả nợ trong vòng 3 năm là chuẩn hết 500 triệu.
Biết trước mọi rủi ro có thể xảy ra, chẳng hạn như chuyện con
ốm đau, công việc chẳng may có vấn đề gì bất ngờ. Ngoài khoản tiền trả nợ cố định
để ra 15 triệu/tháng, vợ chồng anh có 1 tài khoản dự phòng bất trắc, mỗi tháng
nhận lương cố định vợ anh chuyển vào đó 1 triệu đồng.
Đúng như dự trù được tăng lương 10% mỗi năm. Thu nhập của cả
2 vợ chồng anh có tăng thêm chút đỉnh. Ngoài ra, anh Sơn thi thoảng có nhận được
thêm dự án ngoài về thiết kế nên cũng có thêm đồng ra đồng vào ngoài thu nhập cố
định.
Ưu tiên cho việc trả nợ, vợ chồng anh có 1 tài 1 chuyên để trả
nợ và không bao giờ dùng vào đó. Cứ có lương là anh chuyển vào tài khoản trả nợ
15 triệu, tài khoản phòng rủi ro 1 triệu. Nếu tháng nào có thêm tiền làm thêm,
anh lại chuyển cả tiền làm thêm vào tài khoản trả nợ để rút ngắn thời hạn trả nợ
theo kế hoạch.
Cứ như vậy, vợ chồng anh Sơn hoàn thành kế hoạch trả nợ trong
vòng 2 năm, 8 tháng. Căn nhà mới mua chưa được trang hoàng nội thất đẹp mắt.
Tuy nhiên, nợ nần trả xong xuôi, vợ chồng anh cũng yên tâm tiếp tục làm ăn để
kiếm tiền thiết kế nội thất tươm tất cho căn nhà sau đó.
Kế hoạch
trả nợ đi cùng kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, công việc
Đi cùng kế hoạch trả nợ tất nhiên là kế hoạch tiết kiệm chi
tiêu và không ngừng cố gắng trong công việc. Luôn ý thức mình đang phải trả nợ, vợ chồng anh Sơn cắt giảm các khoản chi tiêu
không hoặc ít cần thiết. 2 vợ chồng anh chị tự nấu ăn 3 bữa, thậm chí bữa trưa
cả 2 vợ chồng nấu ăn mang đi làm. Các khoản như liên hoan, nhậu nhẹt vợ chồng
anh cũng cắt giảm tối đa.
Ưu tiên tiết kiệm và chi phí cho con nhỏ, mỗi tháng tiền chi
tiêu gia đình anh vào mức 11 triệu đồng. Chưa tính các khoản điện nước, phí dịch
vụ là cố định. Cũng có lúc khó khăn, nhà dồn trả nợ hết sạch tiền tiêu. Cũng có
khi có người đòi đột xuất ngoài kế hoạch, anh phải xoay chỗ nọ bù chỗ kia.
|
Kế hoạch trả nợ đi cùng kế hoạch tiết kiệm chi tiêu |
Nhưng cuối cùng vợ chồng anh cũng hoàn thành sớm vượt kế hoạch.
Vay bạn bè, người thân không mất đồng lãi nào là may mắn. Anh luôn coi đấy là động
lực để phải trả nợ sớm hơn.
Không
bao giờ thêm nợ khi đang thực hiện kế hoạch trả nợ
Có một nguyên tắc vợ chồng anh đặt ra là trong khi đang trả
khoản nợ lớn thì không nợ thêm khoản nào khác. Khi gần hết tiền thì tự động cân
đối tiết kiệm hơn nữa. Khi hết sạch tiền mà có rủi ro thì dùng tiền trong quỹ
tiết kiệm rủi ro chứ hạn chế tối đa vay thêm, nhất là vay lãi ngân hàng.
Đôi ba lần phải ứng lương vì cần tiền đột xuất, nhưng được
cái anh chưa bao giờ phải vay thêm trong suốt hơn 2 năm trả nợ.
“Cái cảm giác có khoản nợ treo trên đầu khó chịu lắm, có những
khi thấy thực sự mệt mỏi. Nhưng tôi nghĩ đến những người đi vay ngân hàng để tự
an ủi mình còn may mắn. Rồi thì sau mỗi lần trả nợ được 1 người, khoản nợ lớn dần
vơi đi, tôi cảm nhận rõ gánh nặng nhẹ dần, mình sắp về đích… Cố gắng kiếm tiền nhiều
hơn, tiết kiệm hơn... cứ như vậy, tôi đã mua nhà, trả nợ thành công. Giờ thì
cũng đã tiết kiệm được 1 khoản, đã có kế hoạch trả nợ để sẵn sàng vay nợ tiếp để mua xe. Đến giờ, tôi thấy
nợ là bình thường, trả nợ là một trạng thái rất phiêu”. Anh Sơn chia sẻ.