Được biết mới đây nhiều ngân hàng lớn tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn. Dưới đây là quy trình cho vay chi tiết của ngân hàng dành cho khách hàng doanh nghiệp, hãy cùng tham khảo.
Bước 1: Tiếp xúc và làm việc với khách hàng
Bước 1 quy trình cho vay: Ngân hàng làm việc cùng KH
Đây là bước đầu tiên của quá trình vay vốn, nhân viên tín dụng tiến hành thu thập thông tin cơ bản của khách hàng. Sau đây là những thông tin cơ bản quý khách cần trao đổi với ngân hàng:
- Nhu cầu vay: Khách hàng cần vay bao nhiêu tiền, trong thời gian bao lâu?
- Mục đích vay: Doanh nghiệp của quý khách làm việc trong lĩnh vực nào, là loại công ty nào (Tư nhân, cổ phần,...). Khách hàng sử dụng nguồn vốn vay được để làm gì? Nếu vay để mua tài sản cho doanh nghiệp thì mua gì, đã ký hợp đồng thu mua chưa? Quay vòng vốn trong bao lâu?
- Tài sản đảm bảo: Khách hàng có tài sản để đảm bảo cho khoản vay hay không? Đó là loại tài sản nào? BĐS, nhà xưởng, ô tô, máy móc thiết bị, cổ phiếu, trái phiếu…
- Tình hình tài chính: Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong thống kê gần nhất là bao nhiêu, các hoạt động kinh doanh đầu tư có hiệu quả và sinh lời?
Ở bước này, quý khách nên cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để việc thẩm định trở nên đơn giản hơn, rút ngắn thời gian của quy trình vay vốn, đồng thời không làm mất thời gian của cả hai bên. Khi khách hàng cung cấp thông tin thiếu trung thực, việc thẩm định diễn ra sai lệch thì đơn vay sẽ bị hủy.
Bước 2: Ngân hàng hướng dẫn khách hàng chuẩn bị thủ tục hồ sơ.
Bước 2 của quy trình cho vay, hướng dẫn KH chuẩn bị hồ sơ
Đối với khách hàng doanh nghiệp, hồ sơ vay vốn cũng gồm 4 loại hồ sơ như các khách hàng cá nhân, tuy nhiên yêu cầu nhiều loại giấy tờ phức tạp hơn để đảm bảo việc thẩm định được sát sao. Mỗi khách hàng lại có một bộ hồ sơ khác nhau nhưng nhìn chung quý khách cần đáp ứng bộ giấy tờ sau:
- Hồ sơ pháp lý doanh nghiệp
* Giấy phép đăng ký kinh doanh
* Giấy chứng nhận đăng ký thuế
* Điều lệ hoạt động công ty
* Quyết định bổ nhiệm giám đốc, kế toán trường và những người được ủy quyền
* CMND / Hộ chiếu, sổ hộ khẩu của người đại diện vay vốn (Photo)
- Hồ sơ tài chính của doanh nghiệp
* Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất, báo cáo nhanh về tình hình tài chính đến thời điểm vay vốn
* Các hợp đồng kinh tế, hóa đơn chứng từ… chứng minh việc kinh doanh sản xuất có hiệu quả
- Hồ sơ mục đích vay vốn
* Giấy tờ chứng minh mục đích vay vốn (Hợp đồng đầu tư, dự án đầu tư, hợp đồng mua bán…)
* Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu có sẵn của ngân hàng
* Phương án kinh doanh, các hợp đồng kinh tế đầu vào - đầu ra…
* Định hình kế hoạch và nhu cầu vốn trong tương lai
- Hồ sơ về tài sản đảm bảo
* Bất động sản: Giấy chứng nhận sở hữu nhà, đất
* Ô tô, Máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, hàng hoá: Hoá đơn, hợp đồng mua bán
* Các chứng từ có giá: Giấy chứng nhận góp vốn, cổ phiếu, trái phiếu…
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và thông tin khách hàng
Bước 3 của quy trình cho vay, thẩm định
Đây là bước quan trọng quyết định Ngân hàng có hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Thẩm định chiếm phần lớn thời gian của quy trình vay, là cả một quá trình Ngân hàng xem xét hồ sơ khách hàng, đánh giá thông tin, đánh giá thực địa sau đó đối chiếu, xác minh để xác định đơn vay của khách hàng có phù hợp với chính sách của Ngân hàng.
- Thẩm định tư cách pháp nhân
* Thẩm định doanh nghiệp có được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của Pháp luật và nội bộ doanh nghiệp.
* Đánh giá sự uy tín, năng lực và tư cách của người đại diện pháp nhân dựa trên các tiêu chí: Đạo đức, trình độ, kinh nghiệm, tác phong lãnh đạo, các mối quan hệ, các đối tác trong quá trình kinh doanh…
* Xem xét lịch sử hình thành, quá trình phát triển của doanh nghiệp, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của khách hàng.
- Thẩm định năng lực tài chính
Thông báo báo cáo tài chính 2 - 3 năm gần nhất để xem xét khả năng thực tế của doanh nghiệp về tiềm lực tài chính, khả năng phát triển và sinh lời, đánh giá nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn chiếm dụng, hàng tồn kho, tài sản BĐS và tài sản lưu động để đưa ra kết luận doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả nợ cho ngân hàng.
- Thẩm định năng lực hoạt động kinh doanh
Xác định lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp có phù hợp với xu hướng và sự phát triển của thị trường hiện tại và tương lai. Đánh giá chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, nguyên liệu đầu vào, đầu ra, phân tích khách hàng mục tiêu hướng tới, đánh giá đối thủ cạnh tranh, đánh giá rủi ro thị trường… từ đó đưa ra kết luận về năng lực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quá trình thẩm định hồ sơ và thông tin KH doanh nghiệp
- Thẩm định dự án đầu tư vốn vay
Đánh giá các yếu tố phi tài chính (Tính pháp lý của dự án, thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm, các yếu tố đầu vào, yếu tố kỹ thuật, rủi ro xung quanh…) và yếu tố tài chính (Báo cáo kinh doanh của dự án, tiến độ thực hiện, các chỉ số của dự án, mô hình, quy mô,...)
Ngân hàng sẽ xem xét tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, phương thức thực hiện, hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của nguồn vốn sẽ được Ngân hàng cung cấp cho khách hàng.
- Thẩm định tài sản đảm bảo khoản vay
* Xác định tính hợp pháp, hợp lệ của tài sản và quyền sở hữu tài sản của bên vay
* Xác định loại tài sản, chất lượng và giá trị tài sản, khả năng phát mại tài sản nếu xảy ra rủi ro
* Xác định phương thức quản lý tài sản, giám sát tài sản
Để quá trình thẩm định thuận lợi, khách hàng nên chủ động bố trí thời gian tiếp, nói chuyện, và cung cấp bổ sung hồ sơ kịp thời.
Bước 4: Ngân hàng phê duyệt khoản vay và giải ngân
Sau khi nhân viên tín dụng thẩm định xong sẽ tiến hành lập đề xuất tín dụng và xin phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền để tiến hành phê duyệt khoản vay. Với những khoản vay lớn, sẽ có bộ phận độc lập tiến hành thẩm định lại hồ sơ một lần nữa để đảm bảo hoàn toàn minh bạch, hạn chế rủi ro.
Khi đơn vay của quý khách đã có quyết định về việc phê duyệt, ngân hàng sẽ ngay lập tức thông báo cho bạn, tiến hành ký hợp đồng vay vốn và giải ngân nhanh chóng.